• Zalo

Tôm hùm đất nhập khẩu từ Trung Quốc: Đừng quên bài học đắt giá từ ốc bươu vàng

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 23/05/2019 07:05:00 +07:00Google News

Sau ốc bươu vàng, thiên nhiên và ngành nông nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với "đại họa" khác là tôm hùm đất.

Việc tôm hùm đất (tôm hùm càng đỏ) được nhập về bán tràn lan trên thị trường, khiến Bộ NN&PTNT gửi công văn hỏa tốc đề nghị UBND các địa phương, ban ngành tăng cường kiểm soát loài này ở Việt Nam.

Tôm hùm đất là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, chúng vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Loài này cũng không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. 

Trước nguy cơ tôm hùm đất trở thành loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo đừng quên bài học từ việc nhập khẩu ốc bươu vàng hay cây mai dương - mà hiện chúng ta vẫn phải vất vả đối phó.

Bài học ốc bươu vàng vẫn còn "đắt giá"

Tại Việt Nam, bài học về ốc bươu vàng vẫn còn "đắt giá" cho tới tận ngày nay. Kể từ năm 1985 - 1988, ốc bươu vàng du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc để nuôi làm thực phẩm chăm nuôi cho tôm, cá và gia súc. Thậm chí, rất nhiều người Việt ưa chuộng các món ăn liên quan tới ốc bươu vàng.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian rất ngắn, ốc bươu vàng thoát ra khỏi tự nhiên, gặp điều kiện sinh sống thích hợp nên phát triển thành loài động vật gây hại trầm trọng cho cây lúa ở hầu hết các tỉnh phía Nam.

Hiện ốc bươu vàng vẫn là loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam chúng sinh trưởng chủ yếu vào vụ hè thu, đặc biệt là mùa nước nổi.

Theo anh Đỗ Đình Thịnh, nghiên cứu sinh về sinh vật biển ở Hàn Quốc, ốc bươu vàng là một loài nước ngọt phàm ăn. Chúng thường ăn các loại thực vật thuỷ sinh như sen, khoai sọ, củ ấu và đặc biệt là lúa. Với khả năng sinh sản rất nhanh và thức ăn chủ yếu là lá lúa nên ốc bươu vàng đã gây nên đại dịch phá hoại lúa ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

"Chúng đang phát triển dần ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Ðến nay, loài này gây nguy hại lớn trong hệ sinh thái đồng ruộng, ao hồ ở nhiều nơi. Việc tiêu diệt chúng triệt để không hề dễ dàng, dù đã tiêu tốn hàng tỷ đồng nhưng chưa đem lại kết quả mong muốn", anh Thịnh cho hay.

Điều đáng nói, nghề nông và nông dân chính bị ảnh hưởng nặng nhất do ốc bươu vàng phá hoại mùa màng. Gần đây nhất, năm 2017, ốc bươu vàng hoành hành trên các đồng lúa của huyện Hớn Quản, Bình Phước, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa nước của người dân. 

Theo báo cáo từ Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản, ốc bươu vàng làm thiệt hại hơn 110 ha lúa nước. Đây chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn tác hại của ốc bươu vàng trên cả nước.

Năm nào nông dân cả nước Việt Nam cũng than thở về nạn ốc bươu vàng hoành hành, nhưng sau từng đó năm cũng chẳng ai nhận trách nhiệm về điều này.

Đã có biết bao nhiêu hội thảo khoa học, hàng trăm, hàng nghìn nghiên cứu để "tiêu diệt" ốc bươu vàng để cứu người nông dân và cứu cả thiên nhiên Việt Nam, nhưng chưa có giải pháp nào thật sự hiệu quả. Thậm chí, loài này còn phá hoại mùa màng với diễn biến phức tạp hơn trong vài năm trở lại đây.

"Đại dịch" ốc bươu vàng không thể kiểm soát được nữa, các phương tiện truyền thông, các hội thảo khoa học, các nghiên cứu giờ đây chỉ đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế hậu quả từ ốc bươu vàng, chứ chưa có ai khẳng định sẽ tuyệt diệt được sinh vật này. Ốc bươu vàng vẫn sinh tồn.

"Sai một ly, đi một dặm", nhưng có lẽ thiên nhiên và ngành nông nghiệp Việt Nam có thể phải gánh thêm một "đại họa" sinh vật ngoại lai khác: Tôm hùm đất.

tomhum1

Tôm hùm đất, còn gọi là tôm hùm càng đỏ. (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Việt Nam sắp đối mặt với 'đại họa' tôm hùm đất?

Cũng như ốc bươu vàng, tôm hùm đất được đưa vào Việt Nam để phục vụ nhu cầu ăn uống, sành ăn của người Việt. Bản thân các khách hàng mua và sử dụng không hề hay biết loài này gây hại cho thiên nhiên ra sao. Vì thói quen ăn uống, sính ngoại, tôm hùm đất suýt chút nữa thì thành công trong hành trình "xâm lược" thiên nhiên Việt Nam.

Tôm hùm đất có tên khoa học Cherax quadricarinatus, tên thường gọi là Australian redclaw crayfish, có nguồn gốc từ Australia và Papua New Guinea.

Do có hình dạng khá tương đồng và cùng tên gọi tôm hùm đất (hay crayfish trong tiếng Anh), một số người nhầm loài này với một loài họ hàng nổi tiếng hơn là Louisiana crayfish (Procambarus clarkia) có nguồn gốc từ nam nước Mỹ và bắc Mexico.

Tuy nhiên, cả hai loài đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới với vai trò là đối tượng nuôi của ngành thủy sản, trong đó có Trung Quốc.

Nhiều nước coi chúng là những loài ngoại lai có nguy cơ gây hại do có khả năng thích nghi tốt với môi trường mới, sinh sản nhanh, ăn tạp. Chúng có thể phá hoại mùa màng, cạnh tranh thức ăn với các loài bản địa hay dùng loài bản địa làm thức ăn, đào hang giỏi gây ảnh hưởng đến mương máng, đê điều.

Ngoài ra chúng còn mang các mầm bệnh ký sinh nguy hiểm cho các loài thủy, hải sản khác. Tại Việt Nam, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, xác định việc nuôi loài tôm này là lợi bất cập hại, các nhà khoa học đã đề nghị không nhân giống phát triển chúng.

Tôm hùm đất là sinh vật ăn tạp, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường. Chúng ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ. Với đặc tính sinh học như vậy, tôm hùm đất để lại hậu quả xấu ở nhiều nơi trên thế giới.

Tôm hùm đất không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại (theo thông tư của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT). Vì vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.

"Việc nhập khẩu và buôn bán tôm hùm đất không những trái với quy định, mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với ngành nông nghiệp và đa dạng sinh học của nước ta", chuyên gia cảnh báo.

Sinh vật ngoại lai nguy hiểm thế nào?

Theo các chuyên gia sinh vật biển, loài ngoại lai xâm hại là những động vật, thực vật được du nhập từ một nơi khác vào vùng bản địa và nhanh chóng sinh sôi, nảy nở một cách khó kiểm soát, trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đến hệ động thực vật bản địa.

Trong nhiều nguyên nhân gây tổn thất đa dạng sinh học, sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe doạ nguy hiểm nhất. Những loài động thực vật xâm hại đang xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới với tốc độ chóng mặt do giao thương giữa các nước ngày càng mở rộng.

Ban đầu, các loài sinh vật trên thường được nhập với mục đích phát triển kinh tế, làm cảnh nhưng cũng có thể là hành động có chủ ý với mục đích phá hoại.

Tác động mà các loài sinh vật xâm hại gây ra đối với môi trường sống rất đa dạng nhưng có thể gộp chung thành 4 nhóm là, chúng cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, nơi sinh sống, đẩy các loài bản địa vào con đường diệt vong; ăn thịt các loài bản địa; phá huỷ hoặc làm thoái hoá môi trường sống bản địa, phá hoại mùa màng và truyền các mầm bệnh và kí sinh trùng cho các loài bản địa cũng như dân địa phương.

"Bài học ốc bươu vàng hãy còn đó, mong các cơ quan chức năng vào cuộc một cách nghiêm túc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", anh Thịnh kêu gọi.

Việt Vũ
Bình luận